Thứ Ba, 19 tháng 8, 2008

Học cách xử lý sợ hãi

Một cậu bé trong một lần dạo chơi trong rừng, đi tới khoảng rừng thưa có hai khu vườn. Trong vườn các thợ vườn đang làm việc. Hai khu vườn rất khác nhau: một khu thì đầy cỏ dại và người làm vườn chửi rủa liên hồi. Khu vườn khác thì sặc sỡ, rất hài hoà và người làm vườn đang thích thú huýt sáo một bài hát. Anh ta làm mọi việc chẳng có gì mệt nhọc.

Cậu bé muốn làm quen bác làm vườn vui tính và hỏi anh ta, tại sao anh ta có thể giữ cho vườn mình đâu ra đấy lại chẳng mấy mệt nhọc, trong khi bác làm vườn kia phải làm việc vất vả mà chẳng có được khu vườn đẹp.

Bác ta trả lời: “Trước đây bác cũng đã làm như bạn bác. Nhưng bằng cách đó bác không thể nào tiêu diệt hết cỏ dại. Cứ mỗi khi bác nhổ nó đi, thì rễ nó nằm lại trong đất và nó lại mọc lên. Thậm chí bác không thể nhổ nhanh bằng nó mọc lại.

Rồi bác đã làm cách khác. Bác tìm những loài hoa mọc nhanh hơn cỏ dại. Những cây hoa nhanh chóng che lấp toàn bộ cỏ dại, và vườn bác tự nó giữ được sạch sẽ như bây giờ.

Trước khi cậu bé đi tiếp, cậu phát hiện ra ở bìa rừng một khu vườn thứ ba đầy cây độc dược. Người trông vườn nhã nhặn đã giải thích cho cậu bé những gì cậu thắc mắc: “Người làm vườn trước đây, người ta đã trồng những loài cây này là một bác sỹ nổi tiếng. Ông ta là người thông minh nhất trong chúng ta. Từ những cây độc dược trong vườn này ông ta làm ra thuốc chữa bệnh”.

Mỗi người đều có sự sợ hãi, lo lắng, kể cả người đang làm việc đại sự. Can đảm không phải là người không biết sợ hãi, mà là người dù có sợ hãi vẫn dấn thân để chinh phục nó. Sợ hãi là sự hình dung ra một điều gì đó không nên xảy đến. Chúng ta tưởng tượng ra điều gì đó càng rõ rệt, càng hay nghĩ đến nó, thì sự sợ hãi, lo lắng ngày càng mạnh mẽ hơn, càng làm cho chúng ta tê liệt hơn. Chúng ta khó lòng tránh khỏi sự căng thẳng về nỗi sợ hãi. Nhưng chúng ta có thể chung sống với nó hoặc làm lu mờ nó đi. Trước hết chúng ta cần được che chở khi đối mặt với nỗi sợ hãi, để không đơn độc. Chúng ta có thể ngăn chặn sự sợ hãi, lo lắng trở thành một bóng ma trong cuộc sống của chúng ta.

CHÚNG TA CÓ THỂ XUA ĐUỔI SỰ SỢ HÃI BẰNG LÒNG BIẾT ƠN

Chúng ta không thể đơn giản vứt bỏ nỗi sợ hãi như nhổ cỏ dại. Bạn hãy hình dung: bạn tắt đèn đi và gian phòng tối đen như mực. Bạn có thể làm gì để chống lại bóng tối? Đấu tranh chống lại nó hoặc tìm cách ngăn chặn nó đều vô nghĩa. Bạn chỉ có thể xua đuổi bóng tối bằng cách bật đèn lên.

Nỗi sợ hãi cũng như bóng tối. Nó không thể ngăn chặn được. Ta càng cố gắng ngăn chặn nó, thì nỗi sợ hãi càng lớn thêm. Khi tạo ra một lực càng nhiều thì phản lực càng lớn. Nhưng chúng ta có thể xua đuổi nỗi sợ hãi và sự rối bời như ánh sáng xua đuổi bóng tối.

Ta có thể giải thích đơn giản như sau: bộ óc của chúng ta chỉ có thể một lúc nghĩ ra một ý tưởng. Nếu chúng ta đang quan tâm tới phần đối lập của sự sợ hãi, thì chúng ta không thể đồng thời cảm thấy sợ hãi. Sự đối lập với sợ hãi không phải là dũng cảm. Bởi vì người can đảm vẫn biết sợ hãi. Anh ta vẫn hành động mặc dù có sợ hãi. Chính vì vậy chúng ta gọi anh ta là “can đảm”.

Đối lập với sự sự hãi là lòng biết ơn. Bạn sẽ có nhận xét rằng: bạn không thể cảm thấy sợ hãi trong khi bạn đang tỏ lòng biết ơn. Nếu bạn nhớ tới 5 điều mà bạn được ban ơn, thì tất cả mọi sợ hãi, lo lắng bay đi đâu mất.

Những điều bạn chịu ơn có thể đơn giản như: khả năng đi, nhìn, nói, đọc, xe hơi của bạn, căn hộ của bạn, những con người bạn yêu mến và đã mến yêu bạn…Chúng ta thường nhìn nhận nhiều việc là đương nhiên, chừng nào chúng ta chưa thấy thiếu vắng nó. Vào lúc chúng ta không thể “ đi”được nữa, ta mới phát hiện đấy quả là một ân huệ. Chúng ta nên suy nghĩ tới những điều đó, chúng ta mới ý thức được cuộc đời phong phú biết bao.

Không có nhận xét nào: