Thứ Ba, 16 tháng 9, 2008

Nhận thức bản thân

Trong tác phẩm How to be your own Best Friend (Cách để trở thành người bạn tốt nhất của chính mình), Mildred Newman và tiến sĩ Bernard Berkovitz đã đặt ra một câu hỏi ý nghĩa: Nếu chúng ta không yêu được bản thân mình thì thử hỏi chúng ta lấy đâu ra tình thương yêu cho người khác?” Ta không thể cho ai thứ gì bản thân ta không có. Kinh Thánh nói rằng “Hãy yêu người như yêu chính bản thân mình.”


Trong tất cả các khả năng mà Đấng tạo hoá ban cho ta, khả năng chọn cho mình một con đường như mong muốn là khả năng lớn nhất.

Bạn phải chấp nhận chính mình trước khi có thể thực sự yêu thích một ai khác hoặc trước khi có thể chấp nhận việc mình xứng đáng có được thành công và hạnh phúc.

Nhận thức đúng về bản thân chính là bước khởi đầu để có được thành công lẫn hạnh phúc.

Thứ Hai, 15 tháng 9, 2008

Tia sáng cuối con đường

"Cuộc đời giống như một cuộc hành trình, một cuộc hành trình thú vị, vinh quang nhưng cũng đầy khó khăn, thử thách. Có những lúc bạn phải đối mặt với nỗi cô đơn, bạn cảm giác như mình đang đứng ở điểm cuối cùng của con đường với nỗi tuyệt vọng nhưng bạn hãy tin rằng luôn có một tia sáng niềm tin dành cho bạn, tia sáng từ sức mạnh nội tâm giúp bạn khám phá cuộc sống."

Thứ Ba, 9 tháng 9, 2008

Niềm khát khao mạnh hơn tạo hoá

“Khát vọng cháy bỏng muốn trở thành một ai đó và muốn làm được một điều gì đó là điểm xuất phát cho những người biết ước mơ cất cánh”.

“Tôi tin tưởng chắc chắn rằng nếu con người thực sự có niềm tin cộng với một khát khao cháy bỏng về một điều gì đó thì dù đúng hay sai, điều đó cũng sẽ trở thành sự thật. Chân lý đó đúng và rộng mở với tất cả mọi người”.

Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2008

Mong ước - Mục tiêu - Kế hoạch

Phần đông chúng ta sử dụng việc hình dung để đạt mục tiêu. Đó là khi bạn:

a) Chọn một mục tiêu và rồi

b) tưởng tượng mình đã đạt mục tiêu đó cho tới khi thực sự đã đạt được.

Bất luận bạn muốn giảm cân, muốn thêm tự tin, hay muốn giỏi hơn một môn gì đó, các chuyên gia nhất trí việc hình dung nó trong đầu rất hữu ích. “Nghĩ sao, sẽ được vậy.” Thường xuyên hình dung đến thành công – và đặt vào đó sự nỗ lực cần thiết càng nhanh có kết quả.

Chúng ta có thể tự hỏi “Thế thì tại sao không MONG ƯỚC cho được như vậy?”. Không phải hai điều đó giống nhau sao?

Không.

Hình dung trong tâm trí có nghĩa là:

  • Bạn chọn một mục đích, chẳng hạn như bụng thon, công việc thú vị, thay đổi lối sống.
  • Bạn hình dung mục đích ấy đã đạt được ngay giây phút này.
  • Hình ảnh này được ghi vào tiềm thức bạn.
  • Bạn tiếp tục làm việc hướng tới mục tiêu đó.

Mong ước có nghĩa là:

  • Bạn tự nhủ “Mình ghét những thứ mình đang có.”
  • Bạn mong có nhiều tiền hơn, hạnh phúc hơn, hoặc đẹp trai như Brad Pitt.
  • Tâm trí bạn cứ trôi nổi suốt ở thời tương lai.
  • Bạn không có chiến lược thựchiện.
  • Chẳng có gì xảy ra.

ĐIỂM MẤU CHỐT: Chỉ có thể thay đổi được cuộc đời mình bằng cách dồn năng lực vào GIÂY PHÚT HIỆN TẠI. Còn khi mong ước, tâm lý chúng ta ở suốt tương lai. Vì vậy, càng mong ước viển vông chừng nào, chúng ta càng MẮC KẸT chừng ấy.

Đừng mong mỏi gì hết! Dù hoàn cảnh của bạn có xấu tới đâu đi nữa! Hãy đặt mục tiêu, lên kế hoạch, hình dung sự biến đổi, dồn nỗ lực. Trong suốt quá trình ấy, hãy sống hạnh phúc với những gì đang có. Trong khi dành dụm tiền mua một chiếc Ferrari, hãy vui vẻ với chiếc xe cũ của bạn.

Thứ Năm, 4 tháng 9, 2008

Khát vọng vươn tới đỉnh cao

"Tôi tin
Con người được tạo dựng để đạt sự viên mãn,

được sắp đặt để thành công,

và được phú cho những hạt giống của sự vĩ đại."

Tôi sẽ kiên định trong mọi hoàn cảnh

“Tôi biết kết quả mà mình mong muốn. tôi sẽ theo đuổi những ước mơ của mình. Tôi sẽ giữ vững con đường đi. Và tôi không bao giờ bỏ cuộc.

Tôi sẽ kiên định trong mọi hoàn cảnh. Tôi sẽ tiếp tục dù cho kiệt sức.”

Thứ Hai, 1 tháng 9, 2008

Đỗ lỗi cho chính mình

Chúng ta thường là kẻ thù tồi tệ nhất của chính mình khi chúng ta điên rồ tự tạo ra những chướng ngại trên bước đường dẫn đến sự thành công và hạnh phúc của mình.

Đã bao lần bạn nói với mình: Tại sao mình lại ngu ngốc thế nhỉ? Tại sao mình lúc nào cũng vướng phải chuyện đó nhỉ? Tại sao mình lúc nào cũng nói những lời không phải thế? Mình quả là một người đần độn!

Thực ra, chúng ta không tin rằng mình là những người ngu ngốc. Đây là một phương thức nhanh chóng và dễ dàng để bỏ qua một thất bại nào đó.

Thay vì suy nghĩ và đấu tranh với vấn đề ẩn phía sau thất bại và cố gắng giải quyết nó chúng ta lại tự đổ lỗi cho chính mình giống như thể bẩm sinh chúng ta đã là những con người của thất bại và rồi chúng ta để mọi việc lướt qua mà không hề suy nghĩ gì cả.

Đây là lối hành xử nguy hại. Nó tạo ra cảm giác không an toàn và khiến chúng ta luôn nghĩ rằng mình luôn là con người của thất bại, về sau hạt nảy mầm này sẽ phát triển mạnh mẽ và thống trị toàn bộ tâm hồn chúng ta.

Người ta kể rằng, khi tướng William F.Dean được Đảng cộng sản phóng thích, một ký giả đã hỏi ông rằng điều gì đã giúp ông có thể sống được qua ba năm đau khổ này. “Tôi không bao giờ cảm thấy hối tiếc cho chính mình” – William nói – “và đó là những gì đã giúp tôi có thể vượt qua được khó khăn”. Sự tự thán sẽ gây hại cho chúng ta nhiều hơn so với bất cứ thứ gì; và sự tự đổ lỗi cho chính mình thậm chí còn là việc tồi tệ hơn nữa, bởi vì nó là một trong những nguyên nhân chính cấu thành sự tự thán. Chúng ta có thể đi từ sự tự đổ lỗi cho chính mình sang sự tự coi thường chính mình và rồi đến với sự tự huỷ hoại mình.

Việc tự đổ lỗi cho chính mình một cách cực đoan sẽ mở toang cánh cửa cho những suy nghĩ tội lỗi bước vào. Với thói quen luôn tự đổ lỗi cho chính mình khi mắc phải những thất bại, theo thời gian có thể bạn sẽ gặt lấy thói quen luôn tự đổ lỗi cho chính mình về những thất bại của người khác.

Thái độ luôn tự đổ lỗi cho chính mình sẽ khép lại cánh cửa của sự tự thân phát triển. Phía sau cánh cửa bị đóng chặt đó tâm trí của chúng ta có thể luôn trong trạng thái u sầu cùng cực. Giống như một chú hươu con mờ mắt trước ánh sáng chói chang, nó không thể làm gì cả, ngoại trừ việc đứng yên bất đọng.

Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2008

Hãy vui vẽ - hạnh phúc

“Bạn là một phần của vũ trụ,

cũng giống như cây cỏ và những vì sao,

Bạn có quyền tồn tại trong vũ trụ ấy.

Vũ trụ luôn mở rộng.

Vì vậy, hãy sống hoà bình cùng vạn vật.

Bất kể công việc và nguyện vọng của bạn là gì đi nữa,

Trong sự hỗn tạp của cuộc sống,

hãy giữ cho tâm hồn bạn luôn bình an.

Dù có nhiều giả dối, cực nhọc và ước mơ tan vỡ,

Cuộc đời vẫn là một thế giới đẹp.

Hãy vui vẻ. Hãy hạnh phúc.”

Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2008

Bạn chọn sự vui vẽ hay buồn bực ?



Chúng ta chọn sự vui vẽ nhé !

Hạt giống số phận

“Mỗi ngày trong cuộc sống, tôi thức giấc với sức mạnh vũ trụ trong tầm kiểm soát của tôi. Sức mạnh này là khả năng lựa chọn những tư tưởng. Sức mạnh này là khả năng lựa chọn những ý tưởng. Với sức mạnh này, cuộc sống của tôi là sự diễn đạt tư tưởng phi thường của tôi, và tôi là người sáng tạo ra số phận tươi sáng nhất mà người ta có thể tưởng tượng được”.

“Những gì bạn đã gặt được cho đến hôm nay
Là kết quả của những gì bạn đã gieo”

Thứ Ba, 26 tháng 8, 2008

Sự sống

Dĩ nhiên, không có sự sống thì bạn không thể có hạnh phúc được. Trong khi đó chỉ việc sinh sống không thôi vẫn chưa đủ để cấu thành niềm hạnh phúc. Người Do Thái cổ đại đã từng nói: “Sống không có nghĩa là ngồi đó và đếm từng ngày, từng năm trôi qua”.

Và mọi người đặt câu hỏi rằng: “Nhân loại chúng ta nên sống như thế nào?”. “Hãy chết” là câu trả lời cho câu hỏi này. Điều này có nghĩa là mọi người nên giết chết tất cả mọi xấu xa và đớn hèn trong chính mình, nhờ đó họ mới có thể thực sự sống một đời sống ý nghĩa và xứng đáng.

Họ cũng hỏi: “Nhân loại nên chết như thế nào?”. Câu trả lời ở đây là “Hãy sống”. Điều này có nghĩa là nếu bạn sống một lối sống vị kỷ, sống một đời sống của loài động vật, chỉ quan tâm đến niềm vui của bản thân, chẳng hề nghĩ gì đến niềm hạnh phúc thực sự, khi đó bạn sẽ giết chết tất cả những điều có ý nghĩa.

Một người có thể tự huỷ hoại chính mình bởi lối sống của mình. Anh ta có thể nghĩ rằng niềm hạnh phúc trong đời đồng nghĩa với những thoả mãn thể xác động vật của mình.

Việc có được đời sống là cơ hội lớn nhất để chúng ta tìm được niềm hạnh phúc đúng nghĩa.

Thứ Hai, 25 tháng 8, 2008

Khát vọng cháy bỏng - Điểm khởi đầu của mọi thành công

Nếu bạn đang đi trên hành trình đến với thành công và hạnh phúc, có thể bạn sẽ cảm thấy được khích lệ khi biết rằng thế giới mà chúng ta sống này đang đòi hỏi hơn bao giờ hết những ý tưởng mới, những phương cách làm việc mới, những nhà lãnh đạo mới, những phát minh mới, những phương pháp, kiểu dáng, phiên bản mới. Dường như tất cả mọi thứ trong thời đại chúng ta đều đang đòi hỏi được cách tân để trở nên mới mẻ hơn. Đằng sau tất cả những đòi hỏi đó, có một phẩm chất mà bạn nhất thiết phải có để đạt đến thành công: đó là sự kiên định theo đuổi mục tiêu, nghĩa là biết rõ mình muốn gì và khát khao cháy bỏng đạt được nó.

Trong cuốn sách Bí quyết làm giàu của Napoleon Hill, ông đã kể lại câu chuyện thành đạt của Edwin C. Barnes - một cuộc đời thành công được làm nên bởi một khát vọng cháy bỏng.

Khi Edwin C. Barnes bước xuống ga tàu hỏa ở West Orange, New Jersey, bề ngoài của anh trông có vẻ giống như một kẻ lang thang, nhưng trong trí tuệ của kẻ lang thang ấy ẩn chứa tư tưởng của một ông hoàng.

Trong lúc Barnes đi từ đường ray xe lửa đến văn phòng của Thomas A. Edison, tâm trí anh luôn hoạt động. Anh mường tượng ra cảnh mình đang đứng trước Edison. Barnes như nghe thấy anh đang yêu cầu Edison cho mình một cơ hội để thực hiện nỗi ám ảnh chi phối suốt cuộc đời, nỗi khát khao cháy bỏng được trở thành người hợp tác kinh doanh với nhà phát minh vĩ đại.

Khát vọng của Barnes không chỉ là một niềm hy vọng, cũng không chỉ là một niềm mong ước. Đó là nỗi khát khao sôi sục chảy trong huyết quản của anh. Nỗi khát khao rõ ràng và kiên định ấy mạnh hơn bất kỳ điều gì khác.

Vài năm sau, Edwin C. Barnes lại đứng trước Edison, cũng ở trong căn phòng nơi anh đã gặp nhà phát minh lần đầu tiên. Lần này thì khát vọng của anh đã thành hiện thực. Anh trở thành người hợp tác kinh doanh với Edison. Giấc mơ chi phối cuộc đời anh đã được hiện thực hóa.

Barnes thành công vì anh đã lựa chọn cho cuộc đời mình một mục tiêu rõ ràng, dành hết năng lượng, sức mạnh ý chí, nỗ lực cá nhân và tất cả những gì anh có để đạt bằng được mục tiêu đó.

Trong quãng thời gian năm năm trước khi cơ hội mà Barnes tìm kiếm xuất hiện (quãng thời gian anh chỉ làm công ăn lương trong văn phòng Edison), với mọi người, anh chỉ như một bánh răng nhỏ trong guồng máy kinh doanh của Edison. Nhưng trong thâm tâm Barnes, anh luôn là đối tác của Edison và cách nghĩ ấy nung nấu từng giây từng phút ngay từ ngày đầu tiên anh làm việc ở văn phòng của Edison.

Đó là một ví dụ điển hình minh họa cho sức mạnh của một khát vọng rõ ràng và mãnh liệt. Barnes đã đạt được mục đích vì anh muốn trở thành người cộng tác kinh doanh với Edison hơn bất kỳ điều gì khác. Anh đã vạch ra một kế hoạch nhằm đạt được mục đích đó và không bao giờ lùi bước. Anh kiên định giữ vững niềm khát khao của mình cho đến khi nó trở thành một nỗi ám ảnh và cuối cùng biến thành sự thật.

Khi đến West Orange, Barnes không tự nhủ rằng: “Mình sẽ thuyết phục Edison cho mình một công việc kiểu gì cũng được”, mà anh tự khẳng định với bản thân mình: “Mình sẽ gặp Edison và làm cho ông ta nhận ra rằng mình đến để cùng kinh doanh với ông”.

Anh không nói rằng: “Trong trường hợp thất bại, mình sẽ tìm kiếm một cơ hội khác”, mà anh nói: “Chỉ có một điều trên thế gian này mà mình quyết tâm phải đạt cho bằng được, đó là được cộng tác kinh doanh với Edison. Mình sẽ thiêu rụi tất cả những cây cầu sau lưng và đánh cuộc toàn bộ tương lai vào khả năng của bản thân để đạt được những gì mình muốn”.

Anh không để lại cho mình một con đường để rút lui. Anh phải thành công hay là chết!

Đó chính là lý do giải thích cho câu chuyện thành công của Barnes.

Vẻ đẹp ở khắp mọi nơi

“Vẻ đẹp ở khắp mọi nơi: Trong cánh hoa cúc bé nhỏ,

Trong những đám mây, trong tia nắng lunh linh giữa rừng

Có những điều huyền diệu trong sự tái sinh,

Hoàng hôn báo hiệu một ngày sắp chấm dứt,

Và bình minh chào đón sự khởi đầu của một ngày mới…

Chúng ta đang sống trong một thế giới kỳ diệu,

Và hãy tận hưởng nó như một tặng phẩm.

Bạn không cần có tiền trong túi

Khi đi qua một cánh đồng đầy hoa dại

Hay một bãi cỏ hoang.

Chúng ta có vô vàn phúc lành.”

Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2008

Đừng trì hoãn

Đừng bao giờ để đến ngày mai. Đừng đắm đuối quá lâu trong suy nghĩ. Hãy tập thói quen hành động ngay. Với hành động, bạn sẽ thấy dòng sinh lực tuôn trào trong bạn, sự phấn khích hình thành, sự tự tin lớn mạnh và sức khoẻ được cải thiện. Hành động sẽ chế ngự tính sợ hãi, giải toả căng thẳng, xoa dịu nỗi lo lắng và mang lại cho ta sự toại nguyện. Hãy trở thành một người hành động, kiên định, bền bỉ, không trì hoãn.

“Không làm gì cả thì không có gì cả.”

Nathel Howe

Phương cách mạnh mẽ nhất để thực hiện những đổi thay lớn trong cuộc đời là hành động hăng hái và sáng tạo. Nó là chìa khoá mở toang cánh cửa ước mơ. Tất cả những hoài bão của bạn sẽ trở nên vô nghĩa nếu bạn không hành động để biến chúng thành hiện thực.

Tuy nhiên, không phải hành động ngay lập tức nào cũng hình thành nên số phận của bạn. Chính sự quyết tâm thực hiện một cách kiên trì, bền bỉ để đạt tới thành công mới là nhân tố quyết định những thành quả bạn gặt hái được trong cuộc đời – vĩ đại hay tồi tệ, thú vị hay nhàm chán, tươi sáng hay u tối.

Do vậy, hãy tập trung vào những gì bạn mơ ước. càng định rõ mục tiêu, bạn càng tập trung nhiều hơn, càng mạnh mẽ hơn trong hành động để đạt được kết quả mong muốn.

Thứ Năm, 21 tháng 8, 2008

Khát vọng

“Khát vọng chính là nguồn động lực có sức mạnh vô biên, tiềm tàng bên trong mỗi con người. Động lực này được thể hiện qua những hành động liên tục và bền bỉ, để con người không bao giờ từ bỏ ước mơ, không bao giờ khuất phục hoàn cảnh.”

Thứ Tư, 20 tháng 8, 2008

Điểm cốt lõi để thay đổi số phận

Như đã đề cập trong bài “Thay đổi số phận”, tôi mong muốn chia sẽ về mắt xích đầu tiên, và cũng là mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi mắt xích tạo nên số phận, đó là Suy Nghĩ.

Có nhiều khía cạnh trong vấn đề Suy Nghĩ, tôi sẽ trình bày một số khía cạnh chính yếu.

KHÔNG THỂ & CÓ THỂ

Câu chuyện về cô thủ thư khoa QTKD - trường ĐH Kinh Tế

ImageHồi học đại học, thỉnh thoảng tôi cũng vào thư viện, hình ảnh còn đọng lại trong đầu tôi là cô thủ thư cũng đã lớn tuổi, hơi khó tính. Sau này đi làm được 3 năm thì tôi tranh thủ trở lại trường để học thêm bằng MBA. Khi tôi bước vào giai đoạn làm luận văn tốt nghiệp, tôi có trở lại thư viện để tham khảo tài liệu, nhưng do còn phải làm việc nên tôi không có nhiều thời gian ngồi trong thư viện để đọc các tài liệu, tôi muốn mượn tài liệu để photo và mang về nhà đọc. Tôi đang định hỏi cô thủ thư để mượn tài liệu photo, thì có một sinh viên ngồi cạnh đã lên tiếng mượn tài liệu, lập tức cô thủ thư lớn tiếng “không đọc qui định dán trên tường à! Thư viện chỉ cho phép đọc trong thư viện, không được phép mang tài liệu ra khỏi thư viện”, tôi ngước nhìn lên bảng quy định trên tường, đúng rồi chỉ được phép đọc trong thư viện, không được phép photo hay mượn về.

Như vậy là tôi KHÔNG THỂ mượn tài liệu để photo rồi. Tôi rất cần tài liệu tham khảo này, còn đọc trong thư viện thì không có thời gian, lên tiếng mượn thì sẽ không được mà còn bị la. Lúc này tôi bắt đầu suy nghĩ, nếu mình nghĩ rằng KHÔNG THỂ, mình sẽ không lên tiếng mượn và kết quả chắc chắn là mình không mượn được tài liệu. Còn nếu mình nghĩ rằng CÓ THỂ, mình sẽ lên tiếng mượn và lúc này sẽ xảy ra 2 trường hợp:

Trường hợp 1: cô thủ thư không cho mượn và la mắng tôi (xác suất của trường hợp này là rất lớn)

Trường hợp 2: cô thủ thư cho mượn (xác suất này là rất nhỏ).

Thế là vì muốn rằng mình cần phải có được tài liệu tham khảo, bất chấp bị la mắng, tôi quyết định sẽ lên tiếng mượn. Tôi quan sát thấy rằng nếu bây giờ lên tiếng thì không thích hợp vì vừa có người hỏi xong mà không được, với lại còn đông người mà bị la giữa đám đông thì cũng chẳng hay ho gì. Tôi liếc nhìn đồng hồ, chỉ còn khỏang 10 phút nữa là tới giờ đóng của thư viện. Tôi quyết định ngồi đọc tiếp cho đến khi đóng cửa thư viên, 10 phút trôi qua thật nhanh, cô thủ thư nhắc nhở mọi người trả tài liệu để đóng cửa. Tôi chậm chạp thu xếp tài liệu, đợi cho mọi người ra khỏi thư viện hết tôi mới mang tài liệu đến chổ cô thủ thư và nói rằng: “em biết rằng thư viện không cho phép mượn tài liệu để photo hay mang về nhà đọc, nhưng do em bận rộn với công việc ở công ty không thể đến thư viện thường xuyên để đọc tài liệu được, cô có thể vui lòng cho em mượn tài liệu này để photo được không?”. Tôi đã chuẩn bị tinh thần cho câu trả lời “Không”, nhưng thật bất ngờ, cô thủ thư nói rằng tôi có thể mượn mang về để photo và ngày mai mang trả lại.

Từ kết quả của lối suy nghĩ CÓ THỂ này đã đem lại sự tự tin cho tôi, và tôi đã áp dụng trong nhiều trường hợp, và đa số đều cho kết quả tốt đẹp.

Bài học: Tại sao suy nghĩ CÓ THỂ lại cho kết quả tốt hơn là suy nghĩ KHÔNG THỂ, bởi vì với suy nghĩ KHÔNG THỂ, chúng ta đã tự đóng lại tất cả các cánh cửa của suy nghĩ, của tư duy, của sáng tạo và của hành động. Còn với suy nghĩ CÓ THỂ, nó buộc chúng ta phải suy nghĩ, phải tư duy, phải sáng tạo, phải hành động, và kết quả là nó cho ta giải pháp, nó cho ta kết quả. Vì vậy trong cuộc sống chúng ta nên suy nghĩ CÓ THỂ, thay vì KHÔNG THỂ.

ImageLỐI MÒN TƯ DUY & SỰ SÁNG TẠO

Câu chuyện về “cái chết” của một nhà lãnh đạo

Hàng năm có rất nhiều vị trí lãnh đạo (từ “lãnh đạo” ở đây dùng để chỉ các giám đốc, các nhà quản lý, các trưởng phòng, trưởng nhóm) mới được bổ nhiệm, và rất nhiều trong số họ đã thất bại. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại, nhưng nguyên nhân chủ yếu là họ đã suy nghĩ theo lối mòn.

Chúng ta hãy xem câu chuyện về Doughlas Ivester khi làm việc cho hãng Coca-Cola. Ivester được thăng chức Tổng Giám Đốc Điều Hành của Coca-Cola vào năm 1997. Là một người được đào tạo làm kế toán, Ivester mất gần 20 năm phấn đấu để trở thành Giám Đốc Sản Xuất, và sau đó trở thành Giám Đốc Tài Chính của Coke vào năm 1985. Năm 1997, sau khi được thăng chức Tổng Giám Đốc Điều Hành, Ivester đã không có khả năng chuyển đổi suy nghĩ từ vai trò Giám Đốc Tài Chính sang vai trò Giám Đốc Điều Hành.

Sự quan tâm thái quá đến chi tiết vốn là một phẩm chất tốt trong hoạt động sản xuất và tài chính, nay trở thành một chướng ngại vật trong vị trí mới. Ivester không thể dứt bỏ đầu óc của mình khỏi họat động điều hành thường nhật để đảm nhận một vị trí đòi hòi có óc chiến lược, tầm nhìn xa của một Tổng Giám Đốc Điều Hành. Hậu quả là một loạt các quyết định sai lầm đã được đưa ra và Ivester thất bại nặng nề trong vai trò mới, một sự nghiệp đầy ấn tượng đã chấm dứt trong một kết cục cực kỳ thất vọng.

Bài học: Môi trường ngày nay thay đổi rất nhanh chóng, những kiểu suy nghĩ đã giúp ta thành công ngày hôm qua, chưa chắc còn phù hợp với điều kiện mới của ngày hôm nay. Vấn đề là ta phải nắm được sự thay đổi của môi trường, thay đổi tư duy để bắt kịp những sự thay đổi đó.

ImageĐỔ THỪA & NHẬN TRÁCH NHIỆM

Bài học đầu tiên của một sinh viên mới ra trường

Khi mới ra trường, tôi đi làm cho một công ty Nhật, mỗi buổi sáng mọi người có mặt lúc 7:30, đứng thành vòng tròn, chào nhau và mỗi người sẽ nói kế họach công việc trong ngày của mình, từ giám đốc đến nhân viên đều phải nói. Một hôm tôi đến trễ 10 phút do kẹt xe, tôi thấy mọi người đang đợi tôi.

Tôi nói là tôi bị kẹt xe nên đến trễ 10 phút.

Ông sếp liền nói tôi đến trễ vì vậy trước hết tôi phải nói lời xin lỗi, sau đó hãy nói lý do và bắt tôi lặp lại trước tòan công ty.

Tôi nói tôi xin lỗi vì đã đến trễ, tôi bị kẹt xe.

Ông sếp lại nói, sau khi nói xin lỗi vì đến trễ, tôi nên nói xin lỗi vì không báo trước cho mọi người để mọi người phải chờ đợi, sau đó hãy nói lý do và bắt tôi lặp lại.

Tôi nói đủ như vậy, ông ta lại nói là tôi sử dụng văn hóa đổ thừa để đổ lỗi cho hòan cảnh, vì nếu tôi nghĩ rằng đó sẽ là trách nhiệm của tôi, tôi có thể tránh tình trạng kẹt xe nếu như tôi đi trước 10 hay 15 phút.

Lúc đấy tôi rất tức ông sếp người Nhật này, ông ta là một người rất khắt khe, sau này tôi trở thành “đệ tử ruột” của ông ấy và thực sự đã học được rất nhiều điều hay từ ông ấy. Các bạn sẽ ít học được điều hay với một người sếp dễ dãi, và các bạn sẽ học được nhiều điều hay từ một người sếp khắt khe.

Bài học: Khi ta có suy nghĩ đổ thừa, tức là ta sẽ đá trái banh trách nhiệm cho người khác, cho hòan cảnh, và ta chẳng cần phải suy nghĩ để tìm giải pháp cho vấn đề. Đã đến lúc chúng ta cần phải phá bỏ cái văn hóa đổ thừa này!

ImageTIÊU CỰC & TÍCH CỰC

Câu chuyện về một số nhân viên “đang chết”

Tôi có cơ hội tiếp xúc kỹ với một số nhân viên trong một số doanh nghiệp tư nhân với quy mô vừa và nhỏ, nơi mà các chính sách và cách quản trị không được tốt. Nhân viên làm việc vật vờ cho qua ngày nhằm có tiền lương cho nhu cầu “cơm áo gạo tiền”, làm cho có, không nỗ lực hết mình, vì họ nghĩ rằng nếu có làm tốt họ cũng chẳng được hơn. Họ suốt ngày ca thán, chê bai lãnh đạo, mỗi sáng thức dậy họ dường như chẳng muốn đến chỗ làm, 8 giờ làm việc của họ tại công sở trôi qua thật lâu và nhàm chán.

Khi tôi nghiên cứu kỹ tôi thấy rằng thâm niên làm việc của họ khá cao 5 — 10 năm, thậm chí có người có thâm niên đến 15 năm. Tôi tự thắc mắc rằng, tại sao với một môi trường mà họ cảm thấy chán như thế, họ ca thán như thế, mà họ vẫn tiếp tục làm lâu vậy? Sao họ không nghỉ làm? Tôi nhận ra rằng, yêu cầu công việc ngày càng cao, mỗi cá nhân phải luôn nỗ lực để nâng cao trình độ chuyên môn của mình, còn đối với các cá nhân này, với phong cách làm việc chán nản như vậy, trình độ của họ ngày càng thụt lùi, họ làm công việc do quen việc, không có tư duy sáng tạo gì cả và họ không thể thích nghi được với những môi trường mới. Vậy là cứ ngày này qua ngày khác, họ cố gắng lê bước chân đến sở làm tâm trạng chán nản, làm việc 8 giờ như một sự cực hình.

Hãy làm một cầu thủ chuyên nghiệp

Tôi nghĩ rằng chúng ta nên suy nghĩ và hành động như một cầu thủ chuyên nghiệp trong một đội bóng, khi chúng ta tham gia đội bóng chúng ta nên đá hết mình, đá với niềm đam mê. Chúng ta không nên nghĩ rằng CLB trả lương thấp, do đó chúng ta đá vật vờ, nếu chúng ta làm vậy, chính chúng ta sẽ giết chết bản thân, vì khi đó phong độ của ta sẽ xuống dốc, còn nếu chúng ta luôn cố gắng luyện tập, thi đấu hết mình, phong độ luôn tốt, thì thiếu gì CLB khác lớn hơn, trả lương cao hơn sẽ săn đón chúng ta, và một điều quan trọng nữa là ta được chơi bóng, được cống hiến, được hưởng niềm vui chiến thắng.

Bài học: Tôi tin vào thuyết Nhân Quả, khi ta suy nghĩ tích cực thì rồi chúng ta cũng sẽ có những kết quả tốt, khi ta suy nghĩ tiêu cực thì rồi chúng ta cũng sẽ có kết quả tiêu cực.

Kết luận: Còn nhiều khía cạnh khác của SUY NGHĨ, nhưng những khía cạnh trên là những khía cạnh chính. Để kết thúc tôi xin kể một câu chuyện ngụ ngôn mà tôi rất tâm đắc:

ImageCó một ổ đại bàng trên cây đang vào mùa ấp trứng, chẳng may trời mưa to, giông tố, làm cho ổ đại bàng rơi xuống đất, các quả trứng bị vỡ, duy nhất còn lại một quả may mắn rơi vào chuồng gà phía dưới cũng đang vào kỳ ấp nở.

Sau một thời gian, đại bàng con được sinh ra cùng bầy gà con. Khi nhìn thấy những con đại bàng đang bay trên bầu trời, đại bàng con ao ước mình có thể bay được như vậy, và thế là chú ta nỗ lực tập bay, cứ mỗi lần tập bay là một lần đại bàng con bị các chú gà khác cười nhạo “Làm sao có thể bay được? Hãy thôi làm cái chuyện ngu ngốc đó đi”. Sau vài lần thất bại và bị chê cười, lúc này đại bàng con tin rằng mình không thể bay được và từ bỏ giấc mơ bay trên không trung. Ngày tháng cứ dần trôi qua, mỗi khi nhìn lên bầu trời và thấy các con đại bàng khác bay trên không trung, đại bàng con cảm thấy một nỗi buồn vô hạn. Cuộc sống vẫn tiếp diễn, đại bàng tiếp tục cuộc sống cùng bầy gà quanh quẩn trong khu vườn chật hẹp, trưởng thành, già và chết.

Chúng ta đã có những công cụ để có thể thay đổi số phận, còn việc có muốn thay đổi số phận hay không? Có quyết tâm thay đổi hay không? Là sự lựa chọn của mỗi người. Việc trở thành đại bàng tự do bay lượn trong không trung bao la hay là một chú gà quanh quẩn trong khu vườn nhỏ bắt nguồn từ SUY NGHĨ.

Vĩ đại

“Không có điều vĩ đại nào được thực hiện

mà không có những con người vĩ đại.

Và họ chỉ vĩ đại nếu họ quyết tâm trở thành người vĩ đại”

Thứ Ba, 19 tháng 8, 2008

Học cách xử lý sợ hãi

Một cậu bé trong một lần dạo chơi trong rừng, đi tới khoảng rừng thưa có hai khu vườn. Trong vườn các thợ vườn đang làm việc. Hai khu vườn rất khác nhau: một khu thì đầy cỏ dại và người làm vườn chửi rủa liên hồi. Khu vườn khác thì sặc sỡ, rất hài hoà và người làm vườn đang thích thú huýt sáo một bài hát. Anh ta làm mọi việc chẳng có gì mệt nhọc.

Cậu bé muốn làm quen bác làm vườn vui tính và hỏi anh ta, tại sao anh ta có thể giữ cho vườn mình đâu ra đấy lại chẳng mấy mệt nhọc, trong khi bác làm vườn kia phải làm việc vất vả mà chẳng có được khu vườn đẹp.

Bác ta trả lời: “Trước đây bác cũng đã làm như bạn bác. Nhưng bằng cách đó bác không thể nào tiêu diệt hết cỏ dại. Cứ mỗi khi bác nhổ nó đi, thì rễ nó nằm lại trong đất và nó lại mọc lên. Thậm chí bác không thể nhổ nhanh bằng nó mọc lại.

Rồi bác đã làm cách khác. Bác tìm những loài hoa mọc nhanh hơn cỏ dại. Những cây hoa nhanh chóng che lấp toàn bộ cỏ dại, và vườn bác tự nó giữ được sạch sẽ như bây giờ.

Trước khi cậu bé đi tiếp, cậu phát hiện ra ở bìa rừng một khu vườn thứ ba đầy cây độc dược. Người trông vườn nhã nhặn đã giải thích cho cậu bé những gì cậu thắc mắc: “Người làm vườn trước đây, người ta đã trồng những loài cây này là một bác sỹ nổi tiếng. Ông ta là người thông minh nhất trong chúng ta. Từ những cây độc dược trong vườn này ông ta làm ra thuốc chữa bệnh”.

Mỗi người đều có sự sợ hãi, lo lắng, kể cả người đang làm việc đại sự. Can đảm không phải là người không biết sợ hãi, mà là người dù có sợ hãi vẫn dấn thân để chinh phục nó. Sợ hãi là sự hình dung ra một điều gì đó không nên xảy đến. Chúng ta tưởng tượng ra điều gì đó càng rõ rệt, càng hay nghĩ đến nó, thì sự sợ hãi, lo lắng ngày càng mạnh mẽ hơn, càng làm cho chúng ta tê liệt hơn. Chúng ta khó lòng tránh khỏi sự căng thẳng về nỗi sợ hãi. Nhưng chúng ta có thể chung sống với nó hoặc làm lu mờ nó đi. Trước hết chúng ta cần được che chở khi đối mặt với nỗi sợ hãi, để không đơn độc. Chúng ta có thể ngăn chặn sự sợ hãi, lo lắng trở thành một bóng ma trong cuộc sống của chúng ta.

CHÚNG TA CÓ THỂ XUA ĐUỔI SỰ SỢ HÃI BẰNG LÒNG BIẾT ƠN

Chúng ta không thể đơn giản vứt bỏ nỗi sợ hãi như nhổ cỏ dại. Bạn hãy hình dung: bạn tắt đèn đi và gian phòng tối đen như mực. Bạn có thể làm gì để chống lại bóng tối? Đấu tranh chống lại nó hoặc tìm cách ngăn chặn nó đều vô nghĩa. Bạn chỉ có thể xua đuổi bóng tối bằng cách bật đèn lên.

Nỗi sợ hãi cũng như bóng tối. Nó không thể ngăn chặn được. Ta càng cố gắng ngăn chặn nó, thì nỗi sợ hãi càng lớn thêm. Khi tạo ra một lực càng nhiều thì phản lực càng lớn. Nhưng chúng ta có thể xua đuổi nỗi sợ hãi và sự rối bời như ánh sáng xua đuổi bóng tối.

Ta có thể giải thích đơn giản như sau: bộ óc của chúng ta chỉ có thể một lúc nghĩ ra một ý tưởng. Nếu chúng ta đang quan tâm tới phần đối lập của sự sợ hãi, thì chúng ta không thể đồng thời cảm thấy sợ hãi. Sự đối lập với sợ hãi không phải là dũng cảm. Bởi vì người can đảm vẫn biết sợ hãi. Anh ta vẫn hành động mặc dù có sợ hãi. Chính vì vậy chúng ta gọi anh ta là “can đảm”.

Đối lập với sự sự hãi là lòng biết ơn. Bạn sẽ có nhận xét rằng: bạn không thể cảm thấy sợ hãi trong khi bạn đang tỏ lòng biết ơn. Nếu bạn nhớ tới 5 điều mà bạn được ban ơn, thì tất cả mọi sợ hãi, lo lắng bay đi đâu mất.

Những điều bạn chịu ơn có thể đơn giản như: khả năng đi, nhìn, nói, đọc, xe hơi của bạn, căn hộ của bạn, những con người bạn yêu mến và đã mến yêu bạn…Chúng ta thường nhìn nhận nhiều việc là đương nhiên, chừng nào chúng ta chưa thấy thiếu vắng nó. Vào lúc chúng ta không thể “ đi”được nữa, ta mới phát hiện đấy quả là một ân huệ. Chúng ta nên suy nghĩ tới những điều đó, chúng ta mới ý thức được cuộc đời phong phú biết bao.

Thứ Hai, 18 tháng 8, 2008

Bí quyết làm giàu của Napoleon Hill

“Nếu điều bạn muốn làm là đúng, và bạn tin vào nó,

bạn hãy thẳng tiến và thực hiện ngay đi!

Hãy thực hiện cho bằng được giấc mơ của bạn!”

Napoleon Hill

Trong xã hội ngày nay, việc mỗi người tự chạy đua và tìm cho mình một con đường dẫn tới đích của sự thành công và giàu có là điều gần như ai cũng muốn. Nhưng điều quan trọng là không phải ai cũng làm được điều đó, và tại sao lại có kẻ thành công, kẻ thất bại.

Tác giả cuốn sách: “Bí quyết làm giàu của Napoleon Hill” đã đưa ra những lời khuyên, bí quyết để chúng ta suy ngẫm và vận dụng nó trong thực tiễn một cách tốt nhất sao cho đạt được mục tiêu và khát vọng của đời mình.

Là một trong những tác giả nổi tiếng nhất thế giới và là người đã truyền nguồn cảm hứng thành công cho hàng triệu người, Napoleon Hill đã tô điểm những thông điệp hết sức thực tế của mình trong tác phẩm “Bí quyết làm giàu của Napoleon Hill” bằng những tấm gương cụ thể về những người đã tạo ra của cải, danh tiếng và hạnh phúc qua việc khơi dậy và sử dụng hiệu quả sức mạnh của bản thân.

Không ai có thể thành công nếu phó mặc cuộc sống cho số phận.

Image
Napoleon Hill
Tôi xin ghi nhận và đồng ý với tác giả về điều này. Bởi nếu muốn thành công thì ngay hôm nay, chúng ta phải xác định rõ ràng mục tiêu cho mình, chọn hôm nay làm ngày chấm dứt kiểu sống phó mặc và tạo nên tương lai cho mình.

Cuốn sách được tác giả chia ra làm 52 bài viết tương ứng với 52 tuần trong năm. Mỗi bài viết đều ngắn gọn, dễ hiểu, mang triết lý sâu xa và tinh thần khích lệ cao độ giúp chúng ta vượt qua mọi rào cản, mở rộng mọi giới hạn trong cuộc sống bằng những phương cách hữu hiệu nhất.

Có thể nói rằng, trong 52 bài viết đó, có những bài viết chỉ cần đọc tên của nó thôi, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu rõ thông điệp và lời nhắn nhủ của tác giả dành cho chúng ta. Nghe thì thấy quen lắm và dường như đều là những điều chúng ta đã biết nhưng phải đọc và suy ngẫm thì mới hóa ra rằng chỉ những điều đơn giản ấy thôi, nhưng nếu biết áp dụng thì chắc chắn những nguyên tắc ấy sẽ mang lại hạnh phúc, sức khỏe và sự giàu có cho mỗi người.

Chúng ta sẽ tìm được những cơ hội mới mà trước đây chưa thấy rõ. Và, điều quan trọng hơn cả là chúng ta sẽ được truyền thêm sức mạnh để tiếp bước bằng hành động.

Người thành công, kẻ thất bại...tại sao?

Napoleon Hill viết rằng: người thành đạt thường biết chính xác mình muốn gì, có kế hoạch để đạt được điều mình muốn, tin rằng mình có khả năng đạt được mong muốn, và dành phần lớn quỹ thời gian của mình vào việc đạt được mục tiêu. Ngược lại, người thất bại không có mục tiêu rõ ràng nào trong cuộc sống, họ tin rằng tất cả thành công trên đời đều do "vận may" đem lại, và chỉ hành động khi bị ép buộc mà thôi.

Tác giả còn chỉ ra cho chúng ta thấy nhiều những khác biệt nữa giữa người thành đạt và người thất bại, giữa họ có sự khác biệt lớn về lời nói cũng như hành động. Nhưng, điều gì đã quyết định điều đó?. Đó là thái độ của chúng ta đối với bản thân và những người xung quanh chúng ta.

Trong cuốn sách ấy còn là những dòng chữ chỉ cho chúng ta phải sống thật lạc quan và xem nó như một thói quen về mặt tinh thần. Hãy lạc quan và học cách đối mặt với tương lai. Phân tích mọi sự kiện xảy ra và đánh giá các nhân tố bằng một óc suy xét sáng suốt, minh mẫn. Sau đó hãy quyết định phương hướng hành động của mình để đưa sự vật về đúng quỹ đạo mà chúng ta mong muốn. Chúng ta sẽ nhanh chóng nhận thấy rằng tương lai không hề chứa đựng điều gì khiến chúng ta phải lo lắng cả.

Không chỉ nhằm mục đích “làm giàu” theo nghĩa đen như chúng ta vẫn hiểu là giàu về của cải mà “Bí quyết làm giàu của Napoleon Hill” còn là những quy tắc vàng giúp chúng ta đánh thức và sử dụng sức mạnh tiềm tàng của mình, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho mình và cả những người xung quanh, làm giàu tâm hồn, và sống hạnh phúc theo cách của chúng ta.

Trách nhiệm

“Một số người trong chúng ta

đã có sẵn đường băng cho cuộc đời của họ

Nếu bạn có, hãy cất cánh bay cao!

Nếu không, hãy dốc sức xây dựng một đường băng cho chính mình,

Và cho tất cả những ai đi theo bạn.

Đó chính là trách nhiệm của bạn

Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2008

Hãy làm những việc có thể làm

Có những lúc bạn cảm thấy rằng mình không thể làm cho bức tranh của mình sáng sủa lên. Mục tiêu của bạn ở quá xa tầm tay với của bạn; những rắc rối to lớn hơn bạn nghĩ; bạn có quá nhiều điểm yếu.

Bạn có một ngày tồi tệ. Tất cả chúng ta đều có những ngày tồi tệ như thế. Rồi đến một lúc nào đó những ngày tồi tệ sẽ lây lan, và chúng nhanh chóng sinh con đẻ cái liên tục. Khi đó bạn sẽ sa vào một bãi lầy không thể thoát ra được.

Một số người nghĩ rằng đây là lúc chúng ta cần ngồi xuống và xem xét lại toàn bộ quãng đời đã qua của mình. Đó có thể là một việc làm tồi tệ nhất mà bạn có thể làm trong hoàn cảnh này. Bạn đang nản lòng; những khó khăn rắc rối dường như không thể vượt qua được. Việc suy nghĩ về những hình ảnh tối tăm ảm đạm chỉ khiến bạn thêm suy sụp trong vũng lầy mà thôi.

Thay vì thế, bạn hãy cố gắng – trong một lúc nào đó – hoàn tất một kế hoạch nho nhỏ nào đó. Bạn hãy chọn ra một việc bạn có thể hoàn tất được – và bạn hãy thực hiện nó ngay. Kế hoạch đó không nhất thiết phải là một kế hoạch lớn. Việc hoàn thành một việc nào đó, dù chỉ là việc nhỏ, sẽ giúp tinh thần bạn lấy lại quân bình, giúp ngọn lửa niềm tin và khát vọng trong bạn bùng cháy trở lại.

Đi tìm bí ẩn những giấc mơ

Khoa học nghiên cứu về giấc mơ là một trong những ngành trẻ nhất, chỉ được coi như một bộ môn độc lập vào những năm 60 của thế kỷ 20. Tuy thế khoa học này phát triển khá nhanh: Hiện nay chỉ riêng ở Mỹ đã có hơn 600 trung tâm nghiên cứu giấc mơ. Còn tại Nga có 25 trung tâm tương tự như ở Mỹ.

Các nhà khoa học hy vọng, nếu khám phá được những bí ẩn của giấc mơ thì có thể sẽ giúp cho ngành Y học chẩn đoán được bệnh tật sớm. Họ cũng hy vọng cơ chế của bộ não trong thời gian mơ có mối liên hệ với khả năng sáng tạo của con người. Mà cũng có thể, giấc mơ sẽ tiên đoán được điều gì đấy với con người.

Sau mỗi 90 phút

Những người cổ xưa gọi giấc mơ là “giấc chết ngắn ngủi”, linh hồn của con người trong thời gian diễn ra giấc mơ tách rời thân thể để đến với “vương quốc mơ”. Cũng chính vì thế, họ cho rằng sẽ là tội lỗi lớn nếu đánh thức những người đang ngủ, bởi như thế thì linh hồn có thể không trở về với thân thể của họ được.

Với một số nhà khoa học, giấc mơ của mỗi người đều có hai giai đoạn mơ nhanh và mơ chậm. Những giấc mơ của chúng ta phần lớn diễn ra nhanh, chúng chủ yếu gắn liền với những chuyện mang tính kỳ diệu, hay không tưởng. Theo một số nhà khoa học khác, giấc mơ của con người diễn ra trong suốt thời gian ngủ đêm, nhưng nó không được ghi lại trong não bộ. Một số người khác lại bảo vệ quan điểm rằng, não bộ điều hành các giấc mơ theo những khoảng thời gian nhất định, trong từng khoản thời gian sau 90 phút lại có một lần mơ. Tóm lại, trong mỗi một đêm con người có thể có từ 4-5 giấc mơ.

Image
Dimitri Mendeleev mơ thấy hệ thống các nguyên tố hóa học
Các nhà khoa học điều thống nhất ở luận điểm: giấc mơ đã giải phóng những tế bào thần kinh của vỏ đại não. Ngoài ra, trong thời gian diễn ra giấc mơ nơtron của các tế bào não bộ đã bao vây những xung động điều khiển các hoạt động của cơ thể. Nói cách khác, đơn giản là chúng đã “khóa” cơ chế điều khiển cơ bắp. Nếu không có cơ chế bảo vệ này, thì con người sẽ hành động theo những gì mà anh ta đang thấy trong giấc mơ của mình.

Những giấc mơ rất hữu ích cho con người, chúng có thể trở thành liệu pháp tâm lý tốt, là cơ sở để chẩn đoán trạng thái sức khỏe. Và nếu phát triển, ứng dụng đúng giấc mơ này hay giấc mơ khác, có thể sẽ làm nên những phát minh khoa học hay tiên đoán về tương lai.

Mơ là hiện thực

Những giấc mơ là chỉ báo tình trạng sức khỏe của chúng ta. Giấc mơ có thể sử dụng để chẩn đoán tình trạng bệnh tật đã được Aristote (384 – 322 trước công nguyên) đề cập đến. Ông khẳng định rằng, trong giấc mơ con người có thể sẽ nhận tín hiệu về bệnh tật chớm có, thậm chí còn chữa lành khỏi bệnh tật.

Các nhà chuyên môn ngày nay phần lớn đồng tình với luận thuyết này. Phó tiến sĩ y học Elena Korabelnikova (Viện Hàn lâm Y học Moscow, Nga) phát biểu:

”Nếu như con người nhìn thấy trong giấc mơ là anh ta đau ốm, thì điều này là tín hiệu rất nghiêm túc báo rằng trong cơ thể của anh ta đã xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên của bệnh tật mà các chẩn đoán thông thường chưa thể xác định được. Rất có thể vào buổi sáng hôm sau anh ta sẽ bị ốm”.

Bà thường khuyên phải đến các bác sĩ ngay nếu họ liên tục mơ thấy những điều không lành. Bà nói, điều nay cho thấy trạng thái tinh thần trong giai đoạn mơ đã đụng phải những vấn đề bên trong mà nó không thể giải quyết được, hoặc con người đang ở trong giai đoạn tiền bệnh tật.

Phân tích được ý nghĩa của những giấc mơ và hiểu được sơ đồ cấu tạo của chúng sẽ là con đường trực diện để chữa những chứng bệnh tâm lý đầy hiệu quả. Ví dụ ở bán đảo Malacca có một tộc người rất nổi tiếng bởi cách ứng xử đặc biệt với những giấc mơ. Trong tộc người này không có các hiện tượng như tự tử hay các hành động bạo lực khác, họ không bao giờ bị bệnh tâm lý hay những căn bệnh tương tự. Vấn đề là ở chỗ, mỗi một buổi sáng, từng người trong bộ tộc này kể lại cho các tù trưởng về những giấc mơ của mình. Sau đó các tù trưởng sẽ mổ xẻ, phân tích những giấc mơ này trong vai trò là người tư vấn.

Những lời khuyên của tù trưởng vào những lúc như thế là cực kỳ hiệu quả. Các tù trưởng cho rằng, trong bất kỳ trường hợp nào cũng cần phải phân tích và đẩy giấc mơ đến tận cùng cho dù đó là hạnh phúc hay tai ương. Ví dụ nếu bạn mơ thấy mình rơi xuống vực sâu, thì bạn cần phải tưởng tượng tiếp mình sẽ rơi xuống đáy vực ra sao. Còn nếu bạn gặp thú dữ, thì phải tiếp tục vào cuộc chiến với nó như thế nào. Cách tiếp cận và xử lý các giấc mơ như thế giải phóng con người khỏi nỗi sợ và củng cố trạng thái tâm lý mà con người có thể bắt buộc phải mang nó, thậm chí nó còn mang chức năng thức tỉnh.

Giấc mơ – đó là kết quả thuộc hoạt động tâm lý của con người, bất kỳ giấc mơ nào, cho dù là ngắn ngủi nhưng trong nó chứa đựng nhiều thông tin khác nhau. Những thông tin này được mã hóa dưới dạng những biểu tượng khác nhau. Vì vậy, nhiệm vụ của các nhà chuyên môn là giúp những người bệnh phát triển, nhận biết các thông tin ấy một cách đúng đắn để có thể nắm bắt chính xác những tín hiệu chỉ rõ bản chất của sự việc bên trong nó.

Phát triển các giấc mơ, giải mã được bản chất của nó, giúp cũng cố tình trạng tâm lý của con người. Ngoài ra, nghiên cứu được kịch bản của giấc mơ và nhắc lại các biểu tượng trong nó, con người bắt đầu hiểu chính mình hơn, còn kể lại giấc mơ giúp chúng ta tìm thấy được nguyên nhân những sợ hãi của mình và hàng loạt những vấn đề khác.

Những giấc mơ giúp cho con người thích nghi với các tình huống khó khăn. Ví dụ, nhà nghiên cứu giấc mơ Maria Volochenko từ Hiệp hội quốc tế Nghiên cứu về giấc mơ khi làm việc với những người bệnh thường hay bị mơ trong lúc ngủ, kể lại: Trong bất kỳ giấc mơ nào của họ, dù ở hình thức nào bao giờ cũng có sự hiện diện của cái chết.

Maria Volochenko kể: ”Những giấc mơ như thế được họ nhớ lại rất rõ ràng và rất tỷ mỉ, kể cả với những người mà bình thường khi khỏe mạnh họ chẳng bao giờ để ý đến việc mình mơ về cái gì. Đấy là cuộc gặp gỡ của người chết với những người thân, rồi kịch bản về cái chết hay lễ tang, rồi những người thân thiết còn sống đã trải nghiệm cái chết ấy ra sao”.

Giấc mơ - sự linh cảm?

Trong lịch sử, nhiều chuyện đã được biết đến khi tác giả đã tìm được quyết định giải quyết các nghiên cứu của mình trong giấc mơ. Nhà phát minh Helias Haw tốn rất nhiều thời gian để chế tạo ra một thiết bị có thể khâu hai mảnh vải với nhau. Trên chiếc bàn làm việc của vị kỹ sư này có đến bốn phương án cho thiết bị này. Nhưng không có phương án nào mang tính khả thi. Thế nhưng vào một lần, khi Haw ngủ thiếp trong giá lạnh, trong giấc mơ ông thấy những con thú dữ của Châu Phi truy đuổi mình. Lúc ấy ông thấy rõ ràng trên phần đầu chiếc sừng của con thú rất giống chiếc tuốc-nơ-vít. Tỉnh giấc, Haw liền biến những gì mình nhìn thấy để sáng tạo ra chiếc kim khâu, mà cho đến nay chúng được sử dụng rộng rãi cho các máy may.

Image
Albert Einstein
Còn Albert Einstein thì kể lại, trong giấc mơ ông trượt tuyết, vận tốc tăng dần cho đến khi đạt tốc độ ánh sáng, lúc ấy các vì sao thay đổi hình dạng và chuyển thành các vết sáng. Giấc mơ này được Albert Einstein ghi nhớ, tư duy của ông thường quay lại với “bức tranh” này. Và nó đã giúp ông tạo ra những nền tảng cho công việc khoa học của mình.

“Khả năng sáng tạo và những phát minh khoa học hoàn toàn có thể có được nhờ những giấc mơ” – Elena Korabelnikova khẳng định – Vấn đề là ở chỗ, bộ não của chúng ta giống như chiếc computer, nó sẽ sàng lọc lại các thông tin mà chúng ta có được trong lúc mơ ngủ”. Kết quả là con người thu nhận những thông tin hoàn toàn từ một hướng khác, bằng một cách độc đáo dưới hình thức biểu tượng, hình tượng nào đó. Chính những thông tin ấy giúp con người đi đến những quyết định mà anh ta tìm kiếm lâu trong giấc mơ của mình.

Điều này cũng minh chứng rằng, trong giấc mơ, một số cơ quan của cơ thể không nghỉ mà tích cực hoạt động. Não bộ hệ thống hóa trong ngày những thông tin, sắp đặt chúng trong trí nhớ, phân loại các thông tin không mấy có ý nghĩa và tập trung vào những thông tin quan trọng. Chính trong giấc mơ, sự hoạt động tích cực của não bộ đã tạo ra những khả năng nhen nhóm những phát triển khao học.

Sức nặng của giấc mơ

Một nhà khoa học phát biểu: ”Cho đến nay, khoa học chưa thể chứng minh được giấc mơ có sức nặng hay không”. Trong lúc đó các nhà nghiên cứu giấc mơ và các nhà khoa học đã đưa ra những giả thuyết khác nhau. Ví dụ, trong cuộc sống con người xuất hiện một tình huống nào đó đòi hỏi anh ta phải giải quyết. Khi anh ta ngủ, thì não bộ vẫn tiếp tục làm việc. Và trong thời gian mơ, anh ta đưa ra các phương cách, các mối liên kết khả dĩ cho sự phát triển của tình huống. Như vậy “tính hợp lý” đã được vận dụng chính xác, để khi con người tỉnh giấc anh ta sẽ hiện thực hóa những gì đã diễn ra trong mơ.

Cũng có thể có cách giải thích khác về đặc điểm sức nặng của giấc mơ. Con người gặp những giấc mơ không dễ chịu. Ý thức của anh ta đã được xác định theo một sơ đồ hành động trong tình huống này hay tình huống khác của cuộc sống , nhưng giấc mơ lại chuyển hóa thành hiện thực. Ví dụ, trong giấc mơ con người có thể thấy mình cãi nhau với bạn. Đến sáng ra anh ta cảm thấy người bạn nhìn mình có vẻ khác, có vẻ không trung thực. Lúc đó anh ta bắt đầu gây ra mâu thuẫn một cách không tự nguyện. Chỉ sau một thời gian, anh ta mới nhận ra rằng, hóa ra trong mơ mình đã cãi nhau với người bạn. Thế nhưng cách giải thích này đối với các nhà nghiên cứu giấc mơ là chưa thuyết phục cho việc nhận dạng đặc điểm sức nặng của giấc mơ.

Vẫn còn nhiều điều bí ẩn đối với khoa học nghiên cứu về giấc mơ. Cơ chế vận hành, rồi cấu tạo của giấc mơ vẫn chưa được khám phá hết. Nhưng người ta hy vọng, trong một thời gian không lâu nữa, khi người ta giải mã được bí ẩn của giấc mơ thì rất có thể khoa học sẽ kết hợp giữa phần thực và phần mơ của con người có lợi nhất cho sức khỏe, tâm lý, sáng tạo của chúng ta. Nhưng trước hết, lời khuyên của những người này đối với bạn là: Hãy ngủ cho ngon giấc.